Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

       Hữu Lễ là một xã miền núi vùng sâu, nằm ở phía Tây Nam của huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm huyện 25km có địa giới hành chính như sau:

        - Phía Đông giáp các xã Bằng Hữu, Bằng Mạc, Vạn Linh huyện Chi Lăng

- Phía Tây giáp xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn

        - Phía Nam giáp xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng

        - Phía Bắc giáp xã Tri Lễ, huyện Văn Quan.

Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 4.042,9 ha, trong đó: Đất nông nghiệp có 203,1 ha, đất lâm nghiệp 322 ha, đất chuyên dùng 18,9 ha, đất ở 18,31 ha, đất chưa sử dụng 3.480 ha. Ngoài ra Hữu Lễ còn có khoảng 2.200,9 ha là núi đá. Đây là nguồn tài nguyên lớn có thể khai thác làm vật liệu xây dựng.

Xã được chia thành 5 thôn: Bản Rượi, Bản Só, Nà Lùng, Bản Chặng, Hữu Nhất, có 565 hộ với 2.467 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu của xã là sản xuất Nông - Lâm nghiệp, trên địa bàn xã Hữu Lễ có một số suối nước trong đó suối Bản Só dài 8km, suối này có nước chảy quanh năm với lưu lượng nước khá lớn. Ngoài ra còn có một số mạch nước ngầm chảy từ trong núi đá ra… Có thể nói, các nguồn nước ở đây cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.

Hữu Lễ nằm trên khu vực địa hình núi cao, độ cao tương đối trung bình từ 450-550m. Địa hình thường cao, dốc và bị chia cắt mạnh bởi các dãy cao trong vùng. Đây là yếu tố bất thuận cho sản xuất và đi lại của nhân dân với vùng ngoài. Có thể chia địa hình của xã Hữu Lễ thành 2 dạng chính là địa hình đồi núi cao và địa hình thấp hẹp.

Về địa hình đồi núi cao: Địa hình này là một phần của vòng cung Bắc Sơn, được tạo bởi các dãy đồi núi cao chạy theo hướng Tây Bắc và Đông Nam tạo thành một vành đai quanh vùng. Độ cao thay đổi từ 318-640m, độ dốc lớn thường > 20­­­­ độ. Diện tích địa hình này chiếm 94% diện tích tự nhiên toàn xã. Thảm thực vật gồm các cây bụi, và một số diện tích rừng tự nhiên (khoảng 67 ha), gồm các loại cây như: Vầu, trám, dổi, nghiến, dẻ và cây hồi (khoảng 100 ha).

Về địa hình thấp hẹp: Phân bố dưới chân đồi núi cao, hoặc nằm dọc 2 bên bờ sông, suối trong vùng, nơi có địa hình thấp tạo thành những dải đất bằng hẹp và tập trung nhiều ở thôn Bản Chặng, Bản Só, Bản Rượi; Diện tích này chiếm khoảng 6% diện tích tự nhiên, dạng địa hình này rất thuận lợi cho việc trồng cây lúa, ngô, rau, đậu… đồng thời cũng là nơi định cư của đại bộ phận nhân dân trong vùng.

Giao thông xã Hữu Lễ trước đây rất khó khăn, người dân chủ yếu là đi bộ, đi đường tắt; Hiện nay có đường liên xã được rải bê tông từ trung tâm xã nối liền với xã Tri Lễ, ngoài ra hệ thống đường liên thôn đã được bê tông hóa. Có tuyến đường huyện (DH 56) từ xã Lương năng qua xã Tri Lễ - Hữu Lễ. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của bà con nhân dân trong xã, góp phần quan trọng cho Hữu Lễ phát triển về kinh tế và giao lưu văn hóa…

Như nhiều địa phương trong huyện Văn Quan, Hữu Lễ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa đông thịnh hành có gió Đông Bắc, trời lạnh, ít mưa, nhiều năm có sương muối. Mùa hè thịnh hành gió Đông Nam, Nam và Tây Nam, nền nhiệt độ khá cao. Nhiệt độ trung bình năm là 20,8 độ C. Nhiệt độ năm cao nhất 37,3 độ C, nhiệt độ năm thấp nhất -1 độ C. Độ ẩm không khí bình quân năm là 82%. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, lượng mưa trung bình năm đạt 1.540mm. Trong các tháng mùa mưa, lượng mưa bình quân tháng là 212mm. Số ngày mưa trong năm khoảng 135 ngày. Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau ít mưa, lượng mưa bình quân tháng là 44,4mm. Ở các tháng mùa mưa thường sảy ra lũ, nên có ảnh hưởng xấu đến sản xuất và gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

Trước đây Hữu Lễ có rừng đậm nét nguyên sinh, với nhiều loại gỗ quý, cổ thụ hàng trăm năm tuổi như đinh, lát hoa, nghiến, lý, dổi, kháo thơm, trò chỉ… cùng với nhiều cây dược liệu quý như hoài sơn, đảng sâm, cùng với nhiều động vật quý như hổ, báo, nai, vượn, lợn rừng, cầy hương, sơn dương, ba ba, rùa vàng… Và nhiều loài chim phong phú như yểng, sáo, họa mi, khướu, gà lôi, gà rừng… Song, do đời sống gặp nhiều khó khăn, người dân phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ quý để bán một cách ồ ạt; nhất là từ năm 2000 trở lại đây, các loại cây cổ thụ như nghiến, lý, dổi, kháo thơm đã bị khai thác cạn kiệt. Cùng với việc rừng nguyên sinh bị tàn phá, mọi động vật quý hiếm cũng dần dần bị mất đi. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân thực hiện các dự án trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng nên diện tích rừng trồng mới từng bước được nâng lên, môi trường sinh thái không ngừng được cải thiện, một số muông thú như gà lôi, gà rừng, nai, sơn dương đã có dấu hiệu xuất hiện trở lại.

Xã Hữu Lễ là địa bàn quần cư lâu đời chủ yếu của hai dân tộc Tày và Nùng (dân tộc Tày chiếm hơn 91%, dân tộc Nùng chiếm hơn 8,6% dân số) và một số dân tộc khác cùng sinh sống.

Về đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc xã Hữu Lễ rất phong phú và đa dạng. Trước đây, do điều kiện hinh tế còn khó khăn, đa số người dân phải ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, thậm chí có hộ gia đình còn phải ăn cơm độn quanh năm và tình trạng thiếu ăn từ 1 đến 3 tháng trong năm là khá phổ biến. Hiện nay, cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, do ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác lao động sản xuất, hiệu quả lao động tăng lên nên đời sống nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Người dân xã Hữu Lễ có những nét văn hóa đặc trưng của Miền núi, đó là văn hóa ở nhà sàn. Trong các bản, làng hiện nay người dân vẫn có thói quen làm và ở nhà sàn kiểu 4 mái lợp ngói, rộng 5 gian, được làm kiên cố bằng gỗ, vừa cao ráo vừa thoáng mát. Hàng năm vào khoảng tháng 10 âm lịch, khi đã cơ bản thu hoạch xong mùa màng thì cũng đến lúc người dân bắt đầu dựng nhà mới. Tinh thần đoàn kết của bà con, thôn bản được thể hiện rõ trong việc làm nhà mới, mọi người giúp nhau làm những ngôi nhà bằng tinh thần vô tư, tự giác mà không đòi hỏi gia chủ phải trả bất cứ một khoản tiền công nào.

Những nét sinh hoạt văn hóa của người dân xã Hữu Lễ còn được thể hiện rõ hơn trong các dịp cưới xin, ma chay, đặc biệt là trong các lễ hội Lồng Tồng mỗi độ tết đến xuân về. Xã Hữu Lễ có 2 ngày hội: Thôn Bản Rượi tổ chức vào ngày mùng 3 tháng Giêng, Au Cả- nơi giáp danh giữa thôn Đon Chợ, Nà Ne và Bản Rượi (Nay sáp nhập thôn thành thôn Hữu Nhất) tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng, hội Lồng Tồng thường được tổ chức giữa một cánh đồng hoặc bãi đất rộng. Trong các buổi lễ hội thường có phần lễ và phần hội; Phần lễ là phần mà ông "Mo lềnh" làm các thủ tục khấn vái trời, đất cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho tất cả mọi nhà. Phần hội là phần diễn ra các trò chơi dân gian như múa sư tử, đánh đu, đánh yến, đánh cờ tướng, đánh quay… Trước đây, trong các thôn, bản ở Hữu Lễ đều có lễ hội cầu mùa được tổ chức từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 4 tháng 3 Âm lịch, ngoài phần lễ cầu mùa thì đây là dịp diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ. Người dân xã Hữu Lễ xã Hữu Lễ có mối giao lưu gắn bó lâu đời với người dân xã Hữu Liên (Hữu Lũng), Trấn Yên (Bắc Sơn); đây chính là dịp để bà con nhân dân có cơ hội thi tài và bày tỏ tình thân ái; Trong các ngày tổ chức lễ hội cùng với các làn điệu hát then, sli, lượn ấm áp trữ tình, đằm thắm yêu thương của người dân trong xã, còn có những tiết mục hát chèo, hát nhà tơ độc đáo của xã bạn đến giao lưu chia sẻ, khát khao cùng hướng tới một ngày mai với những niềm tin và hy vọng… Trong các đám cưới, đám hỏi của người Tày và người Nùng nơi đây cũng có những nét tương đồng về tục lệ, trong đám cưới nhất thiết phải có 3 người đại diện bên họ nhà gái, một người đàn ông đứng tuổi gọi là ông đưa, một người phụ nữ đứng tuổi gọi là bà đưa và một người con gái làm phù dâu; Đại diện cho họ nhà trai ít nhất phải có 4 người một người là ông đón, một người là bà đón, một cô đón và một chàng trai làm phù rể; những người được đại diện cho hai họ đều là những nhười thân cận, có quan hệ họ hàng, có khả năng ăn nói hoạt bát, đối đáp linh hoạt, đặc biệt là phải có năng khiếu hát đối về Sli, lượn, quan lang (trước khói), trong các đám cưới thường có hát đối giữa đại diện của hai họ… Những chàng trai, cô gái ngày xưa cũng thổ lộ và gửi gắm những tình cảm cho nhau thông qua các làn điệu Sli, câu lượn… Đó quả thật là những nét văn hóa vô cùng đặc sắc thể hiện sự tinh tế trong nét đẹp văn hóa và ý nhị trong giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động đến nay một số truyền thống văn hóa đã không còn giữ được sự nguyên vẹn nữa… Các thế hệ trẻ xã Hữu Lễ cần phải tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa quý báu của cha ông và tiếp tục sáng tạo, không ngừng làm phong phú thêm về đời sống văn hóa của quê hương.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ người con của Hữu Lễ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường và anh dũng đứng lên cùng với nhân dân cả nước kháng chiến, giành thắng lợi và hiện nay đang tiếp tục vững bước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Hữu Lễ đang có những điều kiện thuận lợi để phát triền kinh tế, văn hóa – xã hội, chắc chắn rằng những giá trị đích thực của lịch sử sẽ còn luôn vận động, kết nối giữa cội nguồn, hiện tại và tương lai, đó là niềm tự hào, quý giá rất đáng được trân trọng!.

About